Ngày 15/11/2024, tiếp nối sự thành công của Tọa đàm số 1, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE) tiếp tục tổ chức buổi Tọa đàm số 2 xoay quanh chủ đề “Giáo dục sớm với phát triển trẻ thơ toàn diện” và “Giải mã cơ sở khoa học của Dưỡng sinh tâm thể” theo hình thức trực tiếp tại văn phòng Trung ương Hội kết hợp với trực tuyến.
Diễn giả buổi Tọa đàm có NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Phó Chủ tịch VACHE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) sẽ chia sẻ về chủ đề “Giáo dục sớm với phát triển trẻ thơ toàn diện”; GS.TS. Nguyễn Công Khanh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể Việt Nam chia sẻ chủ đề “Giải mã cơ sở khoa học của Dưỡng sinh tâm thể”. Tham dự trực tiếp chương trình Tọa đàm còn có cán bộ các ban, văn phòng, đơn vị thuộc Trung ương Hội; Cùng nhiều đơn vị, thành viên, doanh nghiệp, Chi hội thuộc Hội trên cả nước tham gia qua hệ thống zoom online.
Thay mặt VACHE, ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội tặng hoa và gửi lời chúc mừng đến 2 diễn giả nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới
Giáo dục sớm với phát triển trẻ thơ toàn diện
Đặt vấn đề về phát triển trẻ thơ toàn diện, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, cho biết, phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD) là vấn đề ưu tiên trên phạm vi toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia. Không chỉ vậy, PTTTTD còn giữ vai trò quan trọng quyết định chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố đầu vào mang ý nghĩa tiên quyết đối với sự phát triển bền vững trong tương lai. Trong Luật trẻ em (2016) đã ghi nhận phải phát triển trẻ thơ toàn diện trong những năm đầu đời. Vì lí do đó, để PTTTTD, chúng ta nên tiến hành giáo dục sớm cho trẻ.
Toàn cảnh chương trình Tọa đàm
Có thể nói rằng, giáo dục sớm mang ý nghĩa to lớn trong việc phát triển trẻ thơ toàn diện ở giai đoạn đầu đời, quyết định tương lai của cả cuộc đời một con người và tương lai một dân tộc, một quốc gia. Giáo dục sớm được bắt đầu từ khi còn là thai nhi cho đến 6 tuổi, nhất là trong 3 năm đầu đời (còn gọi là 1000 ngày đầu đời). Đây là “giai đoạn vàng”, “cửa sổ của cơ hội”, là thời kỳ quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong cuộc đời của mỗi người.
Giáo dục sớm là một bước ngoặt của khoa học giáo dục dẫn dắt, bồi dưỡng, phát triển tiềm năng, năng lực bản thân, có khả năng làm chủ trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu, sở thích riêng của từng trẻ, không áp đặt từ người lớn. Việc học của trẻ được tích hợp thông qua các hoạt động đa dạng trong môi trường sống để trẻ được trải nghiệm. Giáo dục sớm là nền tảng cho sự phát triển cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức thẩm mỹ cũng như văn hóa và nhận thức trong tương lai của cả cuộc đời. Đồng thời, mang lại đóng góp to lớn trong việc gắn kết xã hội, xây dựng hòa bình và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Việc giáo dục sớm không phải để nhồi nhét tri thức mà giáo dục sớm góp phần kích hoạt các năng lực thiên bẩm của trẻ, khai phá các tiềm năng và khả năng phi thường trong những năm đầu đời của trẻ, nhằm hình thành các nền tảng tốt đẹp cho cả đời người. Không chỉ vậy, còn khuyến khích trẻ thăm dò thế giới xung quanh qua các trải nghiệm của bản thân trẻ, dẫn đến vận động của đại não. Điều đó khác biệt với việc dùng ngôn ngữ truyền bá cho trẻ tri thức có sẵn. Giáo dục sớm còn có sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa não bộ, trái tim, dinh dưỡng và cơ thể.
Giáo dục sớm góp phần hình thành và phát triển toàn diện trẻ trong những năm đầu đời.
NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ tại Tọa đàm
Thể chất phát triển: Trong ba năm đầu đời, chiều cao của trẻ sau khi sinh sẽ tăng lên gấp 2 lần, còn cân nặng sẽ tăng gấp 5 lần. Vì vậy, không cung cấp các điều kiện phù hợp (dinh dưỡng, sức khỏe, tâm lý xã hội, kích thích giáo dục sớm…) ở giai đoạn này sẽ làm giảm thiểu tiềm năng phát triển não bộ cũng như cơ thể trẻ. Trên toàn thế giới hiện có 1/3 số trẻ em dưới 5 tuổi không phát triển được hết tiềm năng của mình do đói nghèo và không đủ dinh dưỡng.
Não bộ phát triển nhanh và mạnh: Não phát triển nhanh về trọng lượng. Các tế bào thần kinh não bộ có nhiều kết nối. Ba năm đầu đời là giai đoạn “não phải” đóng vai trò chủ đạo.
Trẻ học từ rất sớm trong những năm đầu đời.
6 khả năng thiên bẩm của trẻ sơ sinh: Trực giác tuyệt vời; Trí nhớ chụp ảnh; Tính toán như máy tính; Âm nhạc hoàn hảo; Lĩnh hội nhiều ngôn ngữ; Hàn gắn bằng hình ảnh, sự tưởng tượng.
NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh nhận định rằng, giáo dục sớm có tác dụng phi thường đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Cụ thể, ông đưa ra các dẫn chứng, theo báo cáo giám sát GDCMN 2011 của UNESCO cho đưa ra: “Các cơ hội giáo dục được định hình từ lâu trước khi trẻ đến lớp, các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức và xã hội mà trẻ phát triển thời thơ ấu là trụ cột thực thụ cho việc học tập cả đời”. Paplop cũng nêu lên rằng “Trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất hai ngày”. Hay theo Makarenko: “Nền móng của giáo dục được xây dựng vững chắc từ trước 5 tuổi, nó chiếm 90% cả quá trình giáo dục”.
Từ đó, có thể thấy, nếu bỏ qua cơ hội giáo dục sớm cho trẻ chỉ đến một lần trong đời lúc này thì tìềm năng, năng lực của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật “Sử dụng nó hay đánh mất nó”, nghĩa là giáo dục càng muộn thì tiềm năng, năng lực của con người được phát huy càng ít. Như nghiên cứu giáo dục sớm đã chỉ ra rằng: Chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên não bộ vô cùng to lớn bởi mới chỉ khai thác được từ 3 – 10% khả năng kỳ diệu của não bộ.
Đưa ra lời kết luận, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ: VACHE với sứ mệnh kết nối cộng đồng “Đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”. Do đó, Hội cần quan tâm truyền thông giáo dục cộng đồng tiến hành giáo dục sớm trẻ em trong những năm đầu đời, vì đây cũng chính là xuất phát điểm và ưu thế cho việc phát triển con người trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
“Hội rất mong mỗi gia đình, mỗi dòng họ và cộng đồng, hãy vì tương lai của thế hệ trẻ mà quan tâm tìm hiểu về giáo dục sớm, tiếp cận các phương pháp giáo dục tiến bộ của thế giới để nuôi dạy cho con cháu mình trở thành những công dân có thể lực cường tráng, đạo đức trong sáng, trí tuệ thông minh, năng động, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi và ngày một xuất hiện nhiều nhân tài cho đất nước”, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh bày tỏ.
Giải mã cơ sở khoa học của Dưỡng sinh tâm thể
Chia sẻ về Dưỡng sinh tâm thể (DSTT), GS.TS. Nguyễn Công Khanh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể Việt Nam cho biết, DSTT là phương pháp nâng cao sức khoẻ, đẩy lùi bệnh tật cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Nó gắn với tên tuổi Má Hai Hương, tức Cố trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương. Phương pháp DSTT làm lành bệnh theo phương pháp tự nhiên, thuộc lĩnh vực Y học năng lượng nằm trong nhóm Y học bổ sung. Phương pháp này dựa trên nền tảng triết lí sống xanh, sống tích cực với 3 trụ cột: Tâm lành – Thân lành – Ngôn lành.
GS.TS. Nguyễn Công Khanh chia sẻ tại Tọa đàm
Theo đó, pháp luyện DSTT có thể tóm lược bằng lộ trình 3 bước: (1) Tự vận động thư giãn – khởi động – để thu năng lượng; (2) Huy động năng lượng qua đôi bàn tay: Xoa, bóp, vỗ đập, chà, day, ấn… lên vùng đau để tự chữa bệnh; (3) Sự trợ giúp của các huấn luyện viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên (những người có kinh nghiệm truyền dẫn các năng lượng tích cực, xả bỏ các năng lượng tiêu cực) phục hồi sức khỏe.
Tuy nhiên, không ít người yêu thích phương pháp này nhưng vẫn mơ hồ, hoặc có niềm tin tâm linh thái quá, tự huyễn hoặc chính mình dẫn đến hệ quả xấu.
Giải đáp mối quan hệ giữa não bộ – tâm trí – hành vi – sức khỏe bằng hoa học, GS.TS. Nguyễn Công Khanh chỉ ra rằng: Con người bạn có đạt tới sự thông tuệ, giữ được phong thái trẻ trung, khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng sống hay không tùy thuộc rất nhiều vào cách sống (sống xanh), thái độ sống tích cực (những suy nghĩ tích cực, những rung cảm tích cực, những niềm tin hợp lý…), do chính tâm trí bạn tạo ra. Tâm bình, cuộc sống an nhiên, hạnh phúc, tâm bấn loạn, cuộc sống đảo điên.
DSTT nói gì về sức khỏe – bệnh: Sức khỏe không chỉ vô bệnh tật mà là tâm trí an lạc, cân bằng, năng lượng, kết nối, năng lượng vũ trụ. Bệnh tật, tắc nghẽn, mất cân bằng, mất kết nối… DSTT tái lập lại sự cân bằng, khai thông các tắc nghẽn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ trẻ đến già. Tự chăm dưỡng thân tâm, sống xanh, sống khỏe, sống vui.
DSTT thay đổi cách sống: Học cách thu nạp, cân bằng năng lượng. Muốn có một đời sống khỏe mạnh, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc thì phải học cách điều khiển cơ thể thu nạp đủ năng lượng (năng lượng có nhiều dạng: Thực phẩm, nước, khí, ánh sáng, tình yêu thương – siêu năng lượng…). Phải học cách sống cân bằng giữa làm việc, nghỉ ngơi/thư giãn, tập luyện, ngủ đủ (để cơ tạng được phục hồi, thải độc, vận động để khí huyết lưu thông). Phải học cách sống chủ động, tự tin, kiểm soát được tâm trí (đây là yếu tố quyết định) khởi tạo năng lượng sống tích cực. Đây chính là cơ sở khoa học của DSTT.
GS.TS. Nguyễn Công Khanh cũng đưa ra những dẫn chứng về kết quả nghiên cứu, cụ thể: GS.TS. Terry Horne, đại học Central Lancaster, Mỹ huấn luyện bản thân qua rèn luyện não bộ (Teach Yourself: Training Your Brain) tuyên bố: “Đã hàng chục năm nay, chúng ta vẫn cho rằng khả năng nhận thức của bộ não là do gene quyết định. Trong khi đó, thực ra lối sống mới là điều tiên quyết”; “Những gì chúng ta ăn uống, những gì được học ở trường và các cảm xúc của chúng ta đều là những điều ảnh hưởng rất quan trọng đến sức khỏe…”.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Thiếu cảm xúc người ta không thể đưa ra các quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Người ta đã phát hiện thấy một liên hợp các khu vực phụ trách, chỉ huy, kiểm soát xúc cảm: Từ hệ viền (limbic), gò hải mã (hippocampus), hạnh nhân (amygdala) đến những trung tâm ở vỏ não mới như thuỳ trán trước (LeDoux, 1986, 1992). 5 phút tức giận sẽ làm giảm khả năng miễn dịch trong vòng 5 đến 6 tiếng (Luskin); Ngược lại 5 phút quan tâm, chăm sóc hay yêu thương (tình cảm tích cực) sẽ làm tăng hệ thống miễn dịch 2 đến 4 giờ.
Không chỉ vậy, DSTT cũng thay đổi cách sống: Theo Nishi Katsuzo, không thể chữa lành một cơ thể trong khi không làm thay đổi chính cách sống của con người, không cải tạo lại nhận thức về thế giới dựa trên nhịp điệu hòa hợp hơn, không thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, sợ hãi, buồn chán, bằng những suy nghĩ tích cực, trong sáng hơn…
Đưa ra lời khuyện để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, GS.TS. Nguyễn Công Khanh chia sẻ: Hãy lắng nghe cơ thể bạn, vì cơ thể chúng ta luôn tiềm ẩn khả năng tự chữa lành mọi vết thương; Chính các bác sỹ tây y cũng phải thừa nhận khoảng 80% bệnh đau yếu thông thường có khả năng tự khỏi, không cần sự hỗ trợ của thuốc men.
Tiếp đến, là học cách sống xanh: Sống yêu thương, tự tin, biết cách tập trung tâm trí vào những điều tốt đẹp/tích cực, bạn sẽ hấp dẫn được rất nhiều điều tích cực vào cuộc sống của chính bạn.
Ngoài ra, cần thay đổi suy nghĩ: Khoa học ngày nay đã chứng minh được rằng cả suy nghĩ tích cực và tiêu cực đều có sức mạnh. Suy nghĩ tích cực khởi tạo một đời sống khỏe mạnh, ngược lại suy nghĩ tiêu cực dẫn đến một đời sống bệnh tật.
Diễn giả và các thành viên VACHE tham dự Tọa đàm trực tiếp
Qua 2 bài chia sẻ rất hữu ích của NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh và GS.TS. Nguyễn Công Khanh, có thể thấy rõ tầm quan trọng của giáo dục sớm trẻ em và việc tập luyện phương pháp DSTT hữu ích như thế nào đối với sức khỏe mỗi người?
Hy vọng rằng, qua 2 bài chia sẻ, mỗi người sẽ có thêm những kiến thức bổ ích, có thể áp dụng trực tiếp vào cuộc sống, ngày càng phát triển, nâng cao nhận thức và lối sống của gia đình và lan tỏa ra toàn xã hội.
Thu Trang