Nâng cao kiến thức phòng chống tội phạm mạng cho sinh viên tại Đại học Luật TP.HCM

Sự hợp tác giữa Viện ABAII và Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) không chỉ dành riêng cho sinh viên Đại học Luật TP.HCM mà còn hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng chống lừa đảo trên không gian mạng cho đông đảo sinh viên trên cả nước trong khuôn khổ ABAII Unitour nhằm phổ cập Blockchain và AI.

Ngày 14/10/2024, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và UNODC đã phối hợp tổ chức chương trình tập huấn “Nâng cao nhận thức về an ninh mạng và phòng chống lừa đảo trong bối cảnh chuyển đổi số” tại Trường Đại học Luật TP.HCM cho hơn 300 sinh viên nhà trường. Sự kiện là hoạt động thứ 12 trong khuôn khổ chương trình ABAII Unitour do Viện ABAII và VBA tổ chức tại 30 trường đại học trên cả nước nhằm phổ cập Blockchain và AI, đồng thời cung cấp cơ hội nghề nghiệp mới trong ngành Blockchain và AI cho các bạn sinh viên.

  PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM cho biết, Đại học Luật TP.HCM không chỉ tập trung vào việc trang bị kiến thức chuyên môn mà rất chú trọng việc nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, giúp các bạn sinh viên vững vàng hội nhập trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ như hiện nay.

Chia sẻ về thực trạng lừa đảo trên không gian mạng, bà Nguyễn Thị Như Trang, Cán bộ Chương trình Quốc gia về Tội phạm mạng, UNODC Việt Nam cho biết, tình trạng tội phạm mạng đang gia tăng ở mức độ đáng lo ngại và có xu hướng lợi dụng công nghệ cao khiến người dân nói chung và các bạn sinh viên khó nhận biết các tình huống lừa đảo. Bà Trang cũng dẫn chứng 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, phủ rộng ở hầu hết các lĩnh vực, đối tượng, từ đơn giản như trúng thưởng online, giả mạo cán bộ thuế, cán bộ công an đến phức tạp như deepfake (video giả mạo gương mặt, giọng nói chất lượng cao),… và chia sẻ những tình huống sinh viên thường gặp phải để cảnh báo về nguy cơ lừa đảo cũng như cách thức tự bảo vệ mình trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, với tính thanh khoản toàn cầu, tài sản mã hóa đang trở thành mục tiêu được quan tâm nhiều của các đối tượng lừa đảo trên mạng. Chỉ riêng năm 2023, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã ghi nhận hơn 69.000 khiếu nại liên quan đến lừa đảo tài sản mã hóa, với thiệt hại lên đến 5,6 tỷ USD, tăng 45% so với năm trước. Trong đó, các hình thức lừa đảo đầu tư chiếm 71% tổng thiệt hại với 3,96 tỷ USD. Các hình thức khác như lừa đảo hỗ trợ kỹ thuật, rò rỉ dữ liệu cá nhân, tống tiền, lừa đảo tình cảm, và mạo danh chính phủ cũng gây thiệt hại đáng kể.

Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo (ABAII) trao tặng 30 suất học bổng MasterTeck cho sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM

Ông Trần Dinh cũng lưu ý rằng công nghệ deepfake đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho tội phạm công nghệ cao, giúp chúng giả mạo danh tính một cách thuyết phục, khiến nạn nhân dễ dàng bị lừa và dẫn đến những tổn thất tài chính nghiêm trọng.

Chia sẻ về giải pháp, ông Trần Dinh cho biết việc đầu tiên các nạn nhân cần làm là tỉnh táo dừng lại, tránh việc vì tiếc tiền nên càng cố gắng đầu tư thêm với hi vọng có thể lấy lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra. Bên cạnh đó, các nạn nhân cần báo cơ quan chức năng và có thể gửi báo cáo về ChainTracer – chương trình truy vết và phân tích các giao dịch tài sản mã hóa có dấu hiệu lừa đảo – do Hiệp hội Blockchain Việt Nam xây dựng và triển khai nhằm cảnh báo và hỗ trợ các nạn nhân lừa đảo.

Sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM sôi nổi chia sẻ tại buổi tập huấn

Kể từ khi ra mắt năm 2022, Chaintracer đã hỗ trợ thu hồi hơn 2 triệu USD từ các vụ lừa đảo tại Việt Nam, cung cấp hơn 50 báo cáo cho các nạn nhân và các cơ quan chức năng để hỗ trợ công tác điều tra. Ông Dinh nhấn mạnh, “Chaintracer không chỉ giúp phát hiện sớm các hành vi gian lận mà còn tăng cường tính minh bạch trong giao dịch, góp phần bảo vệ người dùng và xây dựng hệ sinh thái blockchain an toàn hơn.”

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia, diễn giả đã chia sẻ nhiều vấn đề về quy định pháp lý có liên quan và một số vấn đề cần lưu ý trong việc phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó, TS. Trần Thanh Thảo và ThS. NCS. Lê Trần Quốc Công từ Đại học Luật TP.HCM đã phân tích các quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam liên quan đến tội phạm mạng, đặc biệt là các hành vi lừa đảo tài sản mã hóa. Bà Vũ Thu Hồng, Cán bộ chương trình Phụ nữ, Hoà bình và An ninh, UN Women Việt Nam trình bày về những thách thức như quấy rối và đe dọa trực tuyến mà phụ nữ và trẻ em đang phải đối mặt trong không gian mạng.   UN Women cũng kêu gọi cần có những biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đồng thời nâng cao nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường số.

Bên cạnh đó, TS. Thiếu tá Võ Tấn Lập, Phó Trưởng Khoa Cảnh sát hình sự, Đại học Cảnh sát TP.HCM đã chia sẻ và hướng dẫn chi tiết các phương pháp giúp nhận diện các chiêu trò lừa đảo tinh vi và cách báo cáo khi gặp phải các tình huống đáng ngờ. Ông nhấn mạnh rằng việc nắm vững các cơ chế này sẽ giúp người dân và sinh viên giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng tự bảo vệ.

PV